Trong phần trước: Bí quyết kêu gọi vốn đầu tư thành công công cho mô hình kinh doanh (phần 1), Hải Âu Group đã chia sẻ với các Startup một số kinh nghiệm “vàng” làm hành trang cho các bạn chinh phục thành công con đường đi kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư. Theo đó, chúng tôi nhấn mạnh đến 3 vấn đề cơ bản và quan trọng nhất chính là: ý tưởng tốt, kế hoạch kinh doanh rõ ràng, cụ thể, bản kế hoạch chi tiết và dễ hiểu, trang bị kiến thức về nhà đầu tư bạn muốn nhắm tới. Trong phần 2 này, chúng tôi sẽ tiếp tục bổ sung thêm các bí kíp giúp bạn nắm chắc thành công khi gọi vốn cho mô hình khởi nghiệp. Những lưu ý sau cũng vô cùng quan trọng và cần thiết mà bạn không nên bỏ qua, để tạo nên ưu thế cho bạn khi đối mặt với nhà đầu tư.
Muốn kêu gọi vốn đầu tư thành công, trước đó bạn phải chuẩn bị cho mình nguồn vốn nhất định
Nên có chút vốn trước khi kêu gọi thêm vốn đầu tư
Nhiều người sẽ thắc mắc rằng, không có vốn để khởi nghiệp và đã phải đi kêu gọi đầu tư thì tạo sao phải cần có vốn riêng? Xin thưa, không có vốn sẽ không thể kinh doanh, dù là mô hình nhỏ nhất. Ít nhất bạn phải chuẩn bị cho mình một số tiền nho nhỏ để làm cơ sở cho hoạt động kinh doanh của mình ít nhất là trong 6 tháng đầu.
Nguồn vốn hiện có của bạn sẽ giải quyết được vấn đề: Doanh nghiệp phải có kết quả thì nhà đầu tư mới đầu tư tiền, còn doanh nghiệp cần tiền của nhà đầu tư mới có thể tạo ra kết quả. Hãy tự kiếm cho mình một nguồn vốn tối thiểu nhất có thể và đi gọi vốn với tâm thế: Không có vốn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp của bạn vẫn có thể hoạt động được, mặc dù là rất khó khăn.
Xem thêm: Muốn khởi nghiệp nhưng không có vốn, phải làm sao?
Mặt khác, các nhà đầu tư sẽ e ngại và nghi ngờ về mô hình, ý tưởng kinh doanh cũng như những cam kết về lợi nhuận của Startup nếu như chính người sáng lập không đầu tư, bỏ vốn vào dự án của mình. Họ cũng không muốn mạo hiểm bỏ số tiền lớn cho bạn nếu chính bạn không mạo hiểm vì sự nghiệp của mình. Đừng chỉ nói về ước mơ, khát khao với hai bàn tay trắng, hãy cố gắng gom góp cho mình một khoản tiền nhất định để làm cơ sở, nền tảng cho quá trình khởi nghiệp và cho họ thấy bạn vô cùng tự tin vào ý tưởng, mô hình khởi nghiệp của mình.
Cùng với đó, việc bạn tự mình đầu tư vào doanh nghiệp của bạn cũng cho thấy bạn đang dồn tâm huyết vào ý tưởng, hoạt động kinh doanh của chính mình. Đôi khi niềm đam mê, nỗ lực hết mình của các Startup là yếu tố thôi thúc nhà đầu tư, khiến họ đồng cảm và nhận thấy chính mình trong đó cách đây nhiều năm về trước. Đây chính là chiêu thức “đánh vào tâm lý” vô cùng hiệu quả.
Với nhiều nhà đầu tư thì tâm huyết, sự nhiệt tình và “sống chết” vì ý tưởng của bạn chính là điểm cộng lớn khiến họ sẵn sàng đầu tư. Hãy biết tận dụng điều này một các triệt để, hãy cho họ thấy bạn đã đầu tư bao nhiêu vào dự án đó và đã cố gắng như thế nào để duy trì nó, nhà đầu tư sẽ “mở hầu bao” và chi khoản lớn hơn cả những gì bạn yêu cầu mà không đòi hỏi thêm quyền lợi, đơn giản vì họ thích cái nhiệt huyết của bạn.
Tự định giá chính xác, khách quan dự án của mình và định giá lại qua từng giai đoạn
Để người khác hiểu được bạn thì trước tiên bạn cần hiểu bạn là ai, bạn đang có những gì và giá trị của bạn là bao nhiêu. Khi đã hiểu rõ được điều đó, bạn sẽ biết được bạn đang cần bao nhiêu vốn cho giai đoạn nào và nhà đầu tư cũng biết được bạn đang cần gì và sẽ làm gì với số vốn đó trong giai đoạn nhất định nào đó. Từ đó, xác định chính xác số phần trăm cổ phần, cổ phiếu, cổ tức mà bạn nắm giữ là bao nhiêu. Đồng thời, số phần trăm cổ phần và lợi ích mà nhà đầu nhận được là bao nhiêu sau khi rót vốn vào. Hãy đưa ra con số cụ thể cho nhà đầu tư biết để họ xem xét có nên đầu tư hay không.
Bạn có thể tìm nhiều nhà đầu tư, chia nhỏ số phần trăm cổ phần nếu như không muốn bị “thâu tóm” và “nuốt chửng” bởi một nhà đầu tư lớn và duy nhất. Việc kêu gọi nhiều nguồn đầu tư cũng tạo nên lợi thế lớn cho bạn được tận dụng tối đa, khai thác triệt để những thế mạnh, tiềm lực và các mối quan hệ của các nhà đầu tư khác nhau; giúp doanh nghiệp của bạn có được nguồn lực lớn để phát triển mạnh mẽ hơn.
Một lưu ý quan trọng là bạn cần có kế hoạch cụ thể về các giai đoạn phát triển. Trải qua các giai đoạn khác nhau, bạn cần định giá lại giá trị của mình ở thời điểm đó. Đương nhiên sẽ có nhiều khác biệt so với trước, và cần xác định lại một cách chính xác để đảm bảo quyền lợi của mình và nhà đầu tư.
Tính toán kỹ trước khi kêu gọi vốn đầu tư
Nếu dự án phát triển tốt, thu về nhiều lợi nhuận, mở rộng được thị phần và khách hàng lớn… thì giá trị doanh nghiệp của bạn sẽ tăng lên. Lúc này cơ cấu lại số phần trăm cổ phần và điều chỉnh lại số vốn đầu tư của các nhà đầu tư là rất cần thiết. Theo đó khi dự án đã lớn mạnh và thành công bạn có thể giảm số vốn của nhà đầu tư xuống để giảm số phần trăm cổ phần. Và dự tính này cần phải trình bày rõ ràng và công khai, thẳng thắn với nhà đầu tư trước khi đi đến thỏa thuận chính thức giữa các bên.
Liên tục kêu gọi vốn đầu tư trong suốt quá trình khởi nghiệp kinh doanh
Ngoài việc kêu gọi đầu tư trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, các Startup cũng cần hiểu rằng, kêu gọi vốn đầu tư phải được thực hiện xuyên suốt trong quá trình khởi nghiệp. Bạn cần sử dụng vốn cho quá trình hoạt động và lớn mạnh của doanh nghiệp trong cả sự nghiệp chứ không phải chỉ dành cho giai đoạn thành lập doanh nghiệp. Vì vậy, việc gọi vốn phải là liên tục, thường xuyên. Mặc dù bạn đã có thể đi được trên đôi chân của chính mình nhưng sẽ không đảm bảo thuận lợi và nhanh chóng nếu như đi một mình.
Có thể kết thúc một giai đoạn phát triển nào đó của dự án, bạn có thể gọi thêm vốn từ nhà đầu tư cũ hiện đang góp vốn hoặc tìm thêm những nhà đầu tư mới với sự đồng ý của các nhà đầu tư hiện tại. Việc gọi thêm vốn từ các nhà đầu tư sẽ giúp bạn đẩy nhanh tiến độ, thậm chí là tạo ra bước ngoặt, “nhảy cóc” nếu có thể để đi tới thành công nhanh hơn.
Kêu gọi vốn là cả một nghệ thuật, người đi kêu gọi vốn cũng chính là một nghệ sĩ, hiểu được nhà đầu tư cần gì và thể hiện cho họ thấy những điều tốt đẹp, hấp dẫn mà bạn có, khiến họ phải vỗ tay tán thưởng, và rằng bạn xứng đáng để được đầu tư. Áp dụng ngay những bí quyết kêu gọi vốn thành công mà chúng tôi vừa chia sẻ trong cả phần 1 và phần 2 để bắt tay vào thực hiện ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh của bạn từ hôm nay. Chúc các bạn thành công!