Các bước vệ sinh điều hòa tại nhà
Máy lạnh hay còn được gọi là điều hòa nhiệt độ là một trong những đồ điện lạnh phức tạp. Ngày nay, chúng được sử dụng trong gia đình và cả quy mô công nghiệp. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tự vệ sinh bảo dưỡng thường xuyên ngay tại nhà để máy hoạt động với hiệu suất tốt nhất và bền nhất có thể. Sau đây là các bước và lưu ý khi vệ sinh bảo dưỡng điều hòa mà Hải Âu Group khuyên bạn nên tham khảo.
1. Dấu hiệu nhận biết điều hòa cần vệ sinh
Chúng ta đều hiểu việc vệ sinh điều hòa có rất nhiều lợi ích, góp phần làm cho máy điều hòa nhà bạn hoạt động ổn định hơn, hiệu quả sử dụng cao hơn nhiều so với việc không tiến hành bảo dưỡng. Đồng thời, vệ sinh còn giúp duy trì độ bền cho máy, tiết kiệm điện năng đáng kể. Vậy thời điểm nào ta cần phải vệ sinh máy điều hòa?
Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo điều hòa cần được vệ sinh làm sạch:
– Hơi lạnh của điều hòa tỏa ra yếu. Nguyên nhân gây ra hiện tượng công suất lạnh bị giảm có thể là do các lưới lọc bị bít nên giảm khả năng tỏa nhiệt lạnh, hoặc do hết gas lạnh. Lúc này, bạn hãy thử vệ sinh điều hòa trước xem vấn đề có được cải thiện hay không. Nếu sau vệ sinh máy vẫn làm mát kém, ta mới tìm hiểu tiếp bổ sung gas lạnh.
– Dấu hiệu ở dàn lạnh (Indoor unit): lâu không vệ sinh dàn lạnh có thể khiến giảm sự trao đổi nhiệt dẫn đến nhiệt độ quá lạnh làm nước ngưng tụ nhiều và chảy ra ngoài máng hứng nước của máy.
– Dấu hiệu ở dàn nóng (Outdoor unit): bạn có thể thấy rõ được những bụi bẩn bám trên cánh quạt của dàn nóng điều hòa. Một số trường hợp lá rụng có thể lọt vào hộp dàn nóng và tạo âm thanh lạo xạo khi vận hành máy.
Lưu ý Thông thường từ 2 đến 3 tuần phải rửa sạch lưới lọc không khí 1 lần. Sau khoảng 3 – 6 tháng bạn nên vệ sinh dàn nóng và dàn lạnh một lượt để đảm bảo chúng hoạt động hiệu quả Nếu dàn nóng lắp cạnh khu vực nhiều cây cối, nên vệ sinh khư vực lắp dàn nóng thường xuyên để tránh lá rụng vào làm ảnh hưởng đến quạt tản nhiệt Tùy thuộc nơi sử dụng điều hòa mà thời gian cần vệ sinh là khác nhau. Các văn phòng đông người, hàng quán ăn… cần vệ sinh điều hòa thường xuyên hơn so với trường hợp lắp máy trong gia đình và phòng ngủ. |
2. Vệ sinh dàn lạnh điều hòa
2.1 Chuẩn bị
– Một vài túi nilon miệng rộng: giúp hứng nước trong quá trình vệ sinh dàn lạnh. Bạn cũng có thể dùng vải bạt ghim vào tường đoạn bên dưới cục lạnh điều hòa để tránh nước bẩn bắn ra, phần còn lại dẫn nước vào một xô/chậu bên dưới.
Hình 1: Dùng túi nilon hoặc vải bạt hứng nước
– Bình xịt nước các loại/bình xịt tưới cây
– Miếng rửa chén
– Nước sạch hoặc dùng dung dịch vệ sinh chuyên nghiệp, loại làm sạch các lá nhôm tản nhiệt.
– Vài chiếc khăn lau, nên dùng loại cotton thấm hút tốt, sẽ tránh được những vẩn nước sau khi làm vệ sinh
2.2 Tiến hành vệ sinh dàn lạnh
Bước 1: Bạn hãy nhớ ngắt điện điều hòa trước khi vệ sinh làm sạch để đảm bảo an toàn cho thiết bị cũng như con người.
Bước 2: Sử dụng túi nilon hoặc căng trải bạt dẫn nước xuống xô/chậu bên dưới.
Hình 2: Xịt rửa các lá kim loại
Bước 3: Tháo nắp điều hòa ra để lấy lưới lọc không khí. Dùng tay ấn nhẹ vào các chốt. Ngâm lưới lọc không khí trong chậu/bồn rửa và rửa thật sạch rồi để khô ráo.
Bước 4: Sử dụng nước sạch hoặc pha chút dung dịch vệ sinh chuyên dụng cho vào bình xịt. Xịt nhẹ nhàng vào các khe giữa các lá kim loại. Dùng chế độ xịt phân tán tối đa để tăng diện tích tiếp xúc của nước đến dàn lạnh.
Lưu ý – Không dùng chế độ xịt tập trung với áp lực cao để vệ sinh các thanh kim loại của dàn lạnh. Bởi chất liệu nhôm khá mềm, áp lực cao có thể làm biến dạng các thanh này. – Kiểm soát tốt hướng xịt, chĩa hướng xịt xuống bên dưới để chất tẩy rửa có thể len lỏi vào từng lá kim loại hay lưỡi quay. – Tránh xịt nước quá mạnh, chạm đến bo mạch của hệ thống |
Bước 5: Xịt một lượt nước nữa để làm sạch lần 2. Nếu bạn sử dụng chất tẩy rửa để vệ sinh thì nên chờ 10-20 phút để chúng tác động làm sạch các lá kim loại rồi mới xịt rửa tiếp.
Bước 6: Dùng khăn sạch lau khô những phần có thể lau được cả trong và ngoài dàn lạnh. Thao tác với khăn ẩm trước, sau đó dùng khăn khô lau lại.
Bước 7: Tháo túi nilon hoặc vải bạt hứng nước ra khỏi dàn lạnh.
Bước 8: Đặt lại lưới lọc không khí và nắp che của điều hòa. Hoàn tất quá trình vệ sinh dàn lạnh.
Bước 9: Bật lại máy lạnh, để phần nước còn lại chảy ra ngoài. Khi đã xác định máy chạy êm, không có tiếng động lạ thì tháo túi chắn bụi, và máy lạnh của bạn đã sạch bóng từ ngoài vào trong.
Hình 3: Lưu ý khu vực lưỡi quay khi vệ sinh điều hòa
3. Vệ sinh dàn nóng điều hòa
3.1 Chuẩn bị
– Máy xịt nước chuyên dụng hoặc vòi xịt nước tăng áp thông thường.
– Xô/chậu hứng nước trong quá trình vệ sinh dàn nóng
Lưu ý Việc vệ sinh dàn nóng tại nhà chỉ có thể thực hiện nêu vị trí lắp đặt dàn nóng thấp và có thể dễ dàng tiếp cận. Trong trường hợp dàn nóng lắp tại vị trí nguy hiểm, bạn cần gọi thợ đến. |
3.2 Tiến hành vệ sinh dàn nóng
Bước 1: Đảm bảo đã ngắt điện điều hòa trước khi làm sạch dàn nóng
Bước 2: Kiểm tra sơ bộ tình trạng của dàn nóng, dùng chổi quét gia đình (chổi lúa hoặc chổi nhựa mềm) để làm sạch bên ngoài vỏ dàn nóng.
Bước 3: Dùng vòi xịt nước tăng áp hoặc vòi xịt nước gia dụng để xịt rửa dàn nóng gồm quạt và dàn ống đồng tản nhiệt.
Bước 4: Để chờ dàn nóng tự khô khoảng vài tiếng (tùy thuộc tình hình thời tiết) rồi mới cắm điện bật điều hòa.
Xem thêm: Hướng dẫn 3 cách giải nhiệt cho dàn nóng điều hoà ngày nắng nóng cao điểm
Giờ bạn đã hoàn tất việc vệ sinh làm sạch điều hòa tại nhà. Hi vọng với các bước làm cụ thể trên đây, bạn có thể dễ dàng thực hiện. Hãy lưu ý thời gian vệ sinh định kỳ, bạn có thể lập bảng theo dõi cụ thể để nếu cần. Chúc các bạn sử dụng điều hòa hiệu quả bền lâu.