Cách giải nhiệt cho dàn nóng điều hòa
Điều hòa chỉ làm việc hiệu quả khi nhiệt độ quanh dàn nóng thấp hơn 48°C và nhiệt độ trong phòng lớn hơn 19°C. Việc vi phạm các giới hạn này sẽ làm cho máy hoạt động không hiệu quả do khả năng thoát nhiệt giảm xuống rất thấp. Bởi vậy, việc sử dụng máy điều hòa với tần suất dày đặc, thậm chí là liên tục ngày này qua ngày khác vào những đợt nắng nóng cao điểm có thể khiến dàn nóng quá nhiệt và “đình công” khiến điều hòa mất khả năng làm lạnh vốn có. Để duy trì hoạt động hiệu quả của điều hòa và đảm bảo hiệu suất làm lạnh tốt thì bạn nên tìm hiểu nguyên nhân từ đó tạo điều kiện làm việc lý tưởng cho dàn nóng điều hòa. Bài viết dưới đây của Hải Âu Group sẽ giúp bạn phân tích rõ hơn các cách giải nhiệt cho dàn nóng điều hòa mùa nắng nóng cao điểm.
1 |
Vệ sinh dàn nóng
Sau một thời gian sử dụng thì dàn nóng và dàn lạnh của máy điều hòa sẽ bám bẩn và không làm mát tốt như trước. Cụ thể là việc bụi bẩn tích tụ lâu ngày bám vào các khe tản nhiệt sẽ hạn chế diện tích trao đổi nhiệt nóng ra môi trường bên ngoài. Khí nóng không thoát ra được sẽ quẩn lại trong cục nóng và làm tăng nhiệt, đến một ngưỡng nào đó chúng sẽ làm các mối hàn hay dây dẫn bị hư hại. Hay như khi bụi bám dính vào dầu máy và động cơ máy nén, chúng sẽ làm tăng ma sát đồng thời làm tăng nhiệt trong dàn nóng. Như vậy, nếu dàn nóng (cục nóng) bám bụi bẩn quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến quá trình giải nhiệt của hệ thống, từ đó giảm khả năng làm mát của điều hòa. Giải pháp để làm mát dàn nóng lúc này chính là vệ sinh dàn nóng.
Hình 1: Dàn nóng điều hòa trước và sau khi vệ sinh
Khi gặp những dấu hiệu sau đây, bạn hãy tiến hành vệ sinh dàn nóng điều hòa ngay lập tức xem tình hình có được cải thiện hay không. Nếu việc vệ sinh máy không giải quyết được vấn đề, ta mới kiểm tra tới các nguyên nhân khác.
– Điều hòa không tạo hơi lạnh hoặc rất yếu: biểu hiện này đến từ nhiều nguyên nhân, trong số đó có thể bởi dàn nóng có nhiệt độ quá cao. Thường là do điều hòa chạy liên tục trong thời gian dài làm tăng nhiệt độ của dàn nóng, bùi bẩn kèm thêm tác nhân thời tiết tác động đẩy cao mức nhiệt của dàn nóng. Dàn nóng bị ảnh hưởng kéo theo các vấn đề khác về dàn lạnh và giảm khả năng làm mát của điều hòa.
– Dàn nóng – cục nóng giải nhiệt (outdoor unit) bám bẩn dày đặc: ở phần dàn nóng có chứa quạt tản nhiệt nên nếu sử dụng điều hòa (cho dù mua mới hay đã xài cũ) cả năm trời mà không vệ sinh bảo trì dàn nóng lần nào, thì bụi bẩn sẽ bám đầy trên dàn và cánh quạt, có thể là nguyên nhân khiến dầu bôi trơn quạt bị cạn kiệt, trục quạt bị rít không quay nổi, thậm chí là cháy dàn nóng gây hư hỏng nặng điều hòa.
– Đường ống dẫn nước của điều hòa bị đổ mồ hôi và chảy nước thành giọt: điều này xảy ra khi dàn nóng và/hoặc dàn lạnh bẩn, việc cần làm là vệ sinh điều hòa xem tình hình có được cải thiện hay không. Nếu việc vệ sinh máy không giải quyết được vấn đề, ta mới kiểm tra tới các nguyên nhân khác.
Xem thêm: Hướng Dẫn Từng Bước Vệ Sinh Điều Hòa Đơn Giản Tại Nhà
Dưới đây là các bước vệ sinh dàn nóng điều hòa:
– Chuẩn bị: máy bơm tăng áp hoặc vòi xịt, nước sạch để xịt rửa, không dùng chất tẩy rửa nếu máy không quá bụi bẩn.
– Trước tiên, bạn tắt điều hòa và nguồn điện cấp cho máy
– Hạ dàn nóng xuống để vệ sinh hoặc xịt rửa trực tiếp nếu vị trí lắp đặt dàn dưới thấp
– Sử dụng bơm tăng áp tạo dòng nước áp suất cao hoặc dùng bình xịt nước để phun xịt rửa các khe kim loại, lá tản nhiệt trên dàn nóng điều hòa. Chú ý chuẩn bị sẵn máng hứng nước bẩn trong quá trình xịt rửa.
– Chú ý điều chỉnh lực nước để không làm biến dạng các lá kim loại và không xịt vào mô tơ quạt dàn nóng. Nếu bạn lỡ tay làm biến dạng các lá kim loại thì dùng vật mỏng đầu nhọn vuốt theo chiều dọc cho thẳng lại nhưng phải nhẹ tay.
– Để đảm bảo cải thiện hoạt động chức năng của điều hòa, bạn nên vệ sinh luôn dàn lạnh.
Lưu ý khi vệ sinh dàn nóng điều hòa: – Ngắt điện và để nguội dàn nóng trước khi làm vệ sinh, – Chú ý che phần mô tơ quạt dàn nóng bằng khăn sạch hoặc nilon – Cần đặt lịch vệ sinh định kỳ 6 tháng – 1 năm/lần, nhất là với những máy hay gặp sự cố trước đó – Việc tự vệ sinh dàn nóng không được khuyến khích bởi chúng thường được đặt ở các vị trí cao rất nguy hiểm. Chỉ tự vệ sinh dàn nóng nếu bạn thực sự am hiểu về kỹ thuật và dàn nóng lắp tại các vị trí an toàn tiện lợi. |
Hình 2: Nhân viên kỹ thuật vệ sinh dàn nóng với trang bị bảo hộ an toàn
2 |
Điều chỉnh vị trí lắp đặt
Để đảm bảo dàn nóng điều hòa tản nhiệt tốt, bạn cần chọn đúng vị trí lắp đặt. Chắc hẳn ngay từ khi chọn mua điều hòa bạn đã phải cân nhắc đến việc lắp máy ở đâu. Trong trường hợp điều hòa hoạt động bất thường, hãy kiểm tra và thử điều chỉnh vị trí lắp đặt dàn nóng xem có hiệu quả không nhé.
Dưới đây là 5 lưu ý về vị trí TUYỆT ĐỐI không nên lắp đặt dàn nóng điều hòa, nếu mắc phải hãy tháo lắp lại ngay:
– Hạn chế đặt ở nơi có ánh nắng chiếu vào, vì nó sẽ làm tăng nhiệt độ của dàn nóng khiến điện năng tiêu tốn hơn, tuổi thọ điều hòa rút ngắn đi & linh kiện nhanh bị hỏng. VD: Tụ ở dàn nóng thường được sản xuất với khả năng chịu độ nóng 45 độ C. Với nhiệt độ ngoài trời lớn hơn 45 độ C và bị ánh nắng trực tiếp chiếu vào sẽ dễ gây ra nổ hoặc hỏng tụ.
– Tránh lắp ở những nơi có nhiều cây cối, bởi cây sẽ rụng rất nhiều lá xuống làm ảnh hưởng tới hoạt động của dàn nóng, có thể gây ra tiếng kêu khi quạt chạy. Đặc biệt bạn sẽ phải vệ sinh điều hòa nhiều hơn nếu lắp ở đây.
– Không nên lắp đặt dàn nóng điều hòa ở khu vực nhiều khói bụi. Khói bụi bám vào sẽ khiến bạn phải vệ sinh máy nhiều lần và hoạt động của điều hòa bị ảnh hưởng nhiều hơn.
– Các dàn nóng không nên lắp đặt gần nhau, như vậy nhiệt độ sẽ tăng cao hơn nhiều, nhất là vào các ngày nắng nóng cao điểm.
– Không được đặt bất kỳ vật cản nào phía trước và sau dàn nóng. Vị trí lắp đặt dàn nóng càng thông thoáng thì khả năng giải nhiệt càng tăng cao, máy càng lạnh và đặc biệt là hao ít điện.
Hình 3: Không nên lắp đặt dàn nóng mật độ dày đặc
Xem thêm: Chọn vị trí lắp đặt điều hòa thế nào là đúng?
3 |
Lắp thêm hệ thống phun sương
Các khu kinh doanh hay trung tâm mua sắm, khu hội nghị… là nơi có số lượng người sử dụng điều hòa lớn, nhiều thiết bị máy móc sinh nhiệt. Vì điều hòa không đủ mát nên người dùng thường để nhiệt độ quá thấp trong thời gian dài. Bởi vậy hệ thống điều hòa/điều hòa trung tâm có nguy cơ chạy quá tải và nhiệt độ dàn nóng tăng cao bất thường nhất là vào những ngày nắng nóng.
Nếu kéo dài tình trạng trên, dàn nóng quá nhiệt sẽ gây ra các sự cố như hỏng tụ hay hỏng block, chi phí sửa chữa rất lớn. Tụ thường được sản xuất với khả năng chịu độ nóng 45 độ C. Với thời tiết ngoài trời 40 độ C thì bên trong điều hòa nhiệt có thể lên tới 50-60 độ C gây ra nổ tụ.
Tại các địa điểm này, việc vệ sinh cũng như tạo vị trí thoáng để lắp đặt cũng không thể giải quyết được vấn đề. Giải pháp được đề ra là tạo môi trường nhân tạo giúp giảm nhiệt cho dàn nóng điều hòa, cụ thể là lắp thêm hệ thống phun sương giải nhiệt cho dàn nóng điều hòa.
Hình 4: Hệ thống phun sương làm mát
Sử dụng hệ thống phun sương sẽ làm nhiệt độ môi trường xung quanh dàn nóng hạ xuống từ từ nên không gây sốc nhiệt tổn hại đến vỏ thiết bị. Cách làm này sẽ có hiệu quả chậm nhưng chắc chắn thành công và rất an toàn. Bạn nên lắp đặt hệ thống này phía bên trên dàn nóng, chú ý không đặt các ống dây dẫn nước chạm phải bề mặt của dàn nóng để đảm bảo độ bền cho dây dẫn. Dưới đây là sơ đồ lắp đặt hệ thống phun sương ứng dụng được trong trường hợp làm mát dàn nóng điều hòa:
Hình 5: Sơ đồ lắp đặt hệ thống phun sương
Trên đây là ba cách giúp giải nhiệt dàn nóng cho điều hòa. Như chúng tôi đã lưu ý ở trên, các bạn chỉ nên vệ sinh dàn nóng nếu bạn thực sự am hiểu về kỹ thuật và dàn nóng lắp tại các vị trí an toàn tiện lợi, còn không, hãy liên hệ nhờ kỹ thuật viên đến vệ sinh thiết bị này. Việc lắp đặt dàn nóng cũng vậy, nếu có thể hãy nhờ đội ngũ kỹ thuật tư vấn và lắp đặt. Còn với hệ thống phun sương các bạn có thể tự lắp đặt vì chúng có giá thành khá rẻ và tính ứng dụng cao nhất. Chúc các bạn thành công!